Thursday, March 3, 2022

CHỮA BỆNH ĐÁI DẦM BẰNG CÁCH UỐNG NHIỀU NƯỚC

 


 BÀI CŨ POST LẠI


Chuyện khó tin nhưng có thật. Ròm có 2 đứa con và các bạn năn nỉ quá nên hôm nay ròm nói chuyện với con, con cho mẹ viết để có thể giúp cho các bạn khác bớt bệnh như con. Bài cũ ròm cắt bớt cho các bạn đọc há. Một đứa trẻ uống quá ít nước hay uống quá nhiều nước đều sinh ra vụ đái đầm, do stress, do bị nhiều thứ nữa nhưng trường hợp con của ròm nó uống quá ít nước. Đứa nào bị bệnh trong bài này thì ròm xin phép giấu nhe.


7 năm trời mẹ vật lộn cùng bệnh của con, ai cũng thấy mẹ ròm nuôi con nhàn vì các con rất dễ ăn dễ ngủ chứ chưa thấy mặt trái của những lần con bệnh chồng vắng nhà :) . Mùa đông năm đó Mẹ hầu như không ngủ được nhiều, và sáng dậy nhìn con khóc và nói "con không biết" là người mẹ đông cứng lại. Mùa đông mặc đồ nhiều lớp nên việc giặt giũ sấy cũng cực đối với Mẹ vì Mẹ còn phải đi học, đi thực tập và đi làm nữa, nhưng con nói và khóc là mẹ hiểu và chạy vào phòng con thu gom tất tần tật thứ gì trên giường con đem đi giặt, chạy ra lo cho 2 con ăn sáng, chuẩn bị đồ đem đến trường rồi 3 mẹ con đi, tối về mẹ sấy đống đồ giặt buổi sáng và giặt tiếp mớ còn lại, hầu như ngày nào cũng như ngày nào. Mẹ thực sự kiệt sức thời gian đó.


Hồi xưa con 4 tuổi mẹ phát hiện ra bệnh, nhưng BS (bác sĩ) nói không phải bệnh, để con lớn sẽ hết, rồi con lớn BS "trả giá" 7 tuổi sẽ hết. 7 tuổi thì bảo 9 tuổi mới gọi là bệnh và sẽ hết. 8 tuổi con giảm chứ không hết, và đến mùa đông năm đó thì mẹ vật vã, căng thẳng, rối bời, khùng điên vì Ba con đi làm xa, mẹ ở nhà với 2 con mà thôi. Mẹ quyết tâm chữa bệnh cho con, nên nói Bác Sĩ đăng ký cho Mẹ bệnh viện. Lên đến bệnh viện, rồi qua specialist (BS chuyên môn trị bệnh này) , rồi qua đủ thứ phòng ban đi từ bệnh viện lớn đến phòng nhỏ để khám cho con, chạy lòng vòng từ Birmin qua đến vùng khác mẹ cũng quyết tâm dẫn con đi. Cuối cùng là con không bị gì hết, tức cười nhất là gõ đầu gối test phản xạ của con. Mẹ đã hỏi ủa sao gõ đầu gối, và chuyên gia đó đã giải thích cho mẹ cặn kẽ cách khám và cách chẩn đóan bệnh. Mẹ hỏi nếu hết khám tại bệnh viện thì hồ sơ của con sẽ chuyển về đâu? Họ bảo sẽ chuyển về cho School Nurse (Y tá bên trường) con khóc lên vì sợ các bạn biết con bệnh. Mẹ nói để mẹ nói chuyện với cô y tá, với thầy cô trong trường. Mẹ bỏ thực tập để dẫn con đi nên thầy cô cũng hay hỏi thăm và mẹ cũng có nói chuyện khám bệnh cho con với Mrs. Smith nghe. Còn mỗi buổi sáng gặp tại cổng trường mà Mẹ buồn, và mệt mỏi là bác Thảo của con lại hỏi "nữa rồi hả?" nhìn mặt bác í là mẹ chán thêm chút nữa :)


Lần gặp School Nurse bà kể cho mẹ nghe rằng bà là nurse chuyên lo cho người lớn nhưng vì có thằng con bệnh như con của ròm nên bà từ bỏ những promotion đang có để đi nghiên cứu về bệnh này và chữa được cho thằng con, sau đó bà qua làm School Nurse luôn và bà nói bà sẽ lo cho con của ròm bớt bệnh được vì cách chữa mới ở Clinic này chứ nếu không ngay từ những ngày đầu con bệnh họ đã chuyển cho bà rồi. Sau đó thì khám, lên kế họach thực hiện nhưng đi chơi xa là mẹ lại về BS xin thuốc uống cho con mỗi ngày chứ lỡ có gì trong kỳ holiday thì chán lắm. Con làm theo lời Nurse chỉ dạy, và bệnh giảm dần, giảm dần nhưng vẫn không bớt. Mẹ có nhớ bà ấy bảo rằng ba con đi làm xa nó có buồn phiền trong lòng không nói, tuy bên ngòai nó bằng lòng vì nó không được quyền lựa chọn nhưng bên trong nó phản kháng, nó stress nên mới sinh ra bệnh, một phần nữa nó uống quá ít nước nữa. Vì vậy nếu chữa bệnh này thì phải kết hợp nó ở gần được ba nó và đừng để nó stress, đừng cho uống Coke, uống nước có gaz, và đặc biệt đừng cho con uống nước lúc 7h tối. Theo kế họach của Nurse thì con 10 phần bớt 6 phần, và nhiều việc khó khăn dồn dập xảy ra với 3 mẹ con nên mẹ quyết định theo Ba qua TS luôn chứ mẹ vẫn muốn Mẹ ở nhà bên Anh chăm con, Ba các con đi làm xa 2 tuần về.


Rồi cả nhà qua TS, ngày mới mua giường nệm về chưa được 1 tuần là mẹ lại đơ liền vì con làm ướt nó hết và cứ mỗi lần con bị như vậy là mẹ chạy lên chạy xuống cả ngày lục đục đến tối ở cái phòng giặt là vậy. Đợt cả nhà qua Đức thăm cô Đào AndyAn Mẹ cũng đánh lô tô trong lòng nhiều lắm đó. Hú hồn không có gì xảy ra dù Mẹ có thủ thuốc cho con. Hôm tháng 8 về thăm Ngọai, nói thịêt Mẹ lo lắm vì bên TS này Mẹ không dám bày tỏ để xin thuốc uống nhưng 4 tuần trôi qua không có sự cố gì xảy ra.


Khỏi nói lòng mẹ vui như thế nào khi mà con lớn mấy năm nay không hề tái đi tái lại cái bệnh ướt lưng của con. Bệnh của con nurse chữa rất đơn giản đó là bắt con uống 1 ngày đủ 8 ly nước trong đó 1 ly nước cam lúc tea time chiều còn lại sữa bao nhiêu cũng được nhưng phải đủ 8 ly nước và lên kế họach đi tiểu lúc nào và uống lúc nào luôn. Bà nói đó là cách duy nhất để bọng đái của con nó to lên chứa đủ nước và ban đêm nước vào bọng đái nó chứa đủ đến sáng vì vậy con sẽ không bị tình trạng nước tràn ra ngòai. Ngày đầu tiên nghe bà nói về bệnh của con mẹ trố mắt ngạc nhiên nhưng rồi search thông tin trên mạng thì mẹ hiểu là bà có lý của bà.


Kế hoạch như sau: Không coca, nước có gaz, trà, cà phê và đặc biệt HOT CHOCOLATE trong ngày nhiều vì những thứ này nó sẽ tăng lượng đi đái đêm của con, vì có bạn nói với ròm uống 1 ly cà phê, đi tiểu ra 2 ly nước vì vậy mình bị mất nước :) và nếu cơ thể mình uống ít nước thì nó lấy nước cơ thể mình nó làm ra nước đái luôn :) vì vậy lúc nảo cũng muốn đi đái và nếu cho uống chiều tối thì càng đái. Con của ròm thích uống hot chocolate trước khi đi ngủ lắm :) :) vì vậy càng đái ác liệt hơn.


Một ngày phải uống đủ 8 ly nước và làm sao cho đủ, uống nước cam, sữa chua phải trước 4h chiều, và không uống bất cứ thứ gì trước khi đi ngủ. Phải uống trước 7h còn ngủ lúc nào thì ngủ, trước khi đi ngủ nhớ đi đái lần nữa. Sáng ngủ dậy ăn sáng, uống 1 ly ra khỏi nhà,, lên trường đi đái rồi uống nước; giờ nghỉ giải lao 10h phải đi đái, và rồi uống nước; 12h trưa ăn cơm và uống nước thì phải uống 2 ly rồi chơi và vô lớp phải đi đái trước khi vô lớp, rồi giờ nghỉ giải lao chiều 2h phải đi đái, uống nước và trước khi đi học về phải nốc một ly và đi đái một lần trước khi ra khỏi trường, rồi về nhà uống tiếp nước cam trước 4h, và đi đái tiếp, làm sao đến 7h tối đủ 8 ly và con phải tick vào giấy của cô School Nurse đưa ra vào mỗi lần đi đái, hay uống nước và vài tuần check up với để coi kết quả như thế nào. Sau đó thì bắt đầu con bớt và bớt và rồi dứt hẳn hoàn toàn.Lượng nước theo tuổi như sau (ròm copy mạng hé)

  • boys and girls 4 to 8 years old - 1,000 to 1,400ml (1.7 to 2.4 pints)
  • girls 9 to 13 years old - 1,200 to 2,100ml (2.1 to 3.7 pints)
  • boys 9 to 13 years old - 1,400 to 2,300ml (2.4 to 4 pints)
  • girls 14 to 18 years old - 1,400 to 2,500ml (2.4 to 4.4 pints)
  • boys 14 to 18 years old - 2,100 to 3,200ml (3.7 to 5.6 pints)

Con đã lớn và những khổ sở, muộn phiền cũng bay đi, viết lại cho các bạn tham khảo nhé. Đừng để con uống quá ít nước hay nhiều nước và quan trọng con phải đi tiểu nhiều lần trong ngày nữa để rồi còn nạp đủ lượng nước để bọng đái chứa nước và ban đêm nó không tràn lên và trào ra ngoài luôn. Các bạn có thể search Nocturnal Enuresis hoặc why-your-child-should-drink-more-to-stop-bed-wetting.Chúc các bà mẹ không bị stress khi con đái dầm nha. Ròm không chữa theo mẹo, miếc gì hết. Có thuốc chữa dứt điểm nhưng ròm không biết các loại thuốc đó, cũng như nướng con bổ củi, giã nhuyễn cho vào cơm và nhiều mẹo khác nhưng ròm kiên trì 1 năm trời hơn với con, cứ bắt uống và đi đái suốt trong ngày, giờ thì hết bệnh rồi.

Hoa đẹp (hình gu gồ) cho giấc mơ con bay cao bay xa chứ không đêm toàn thấy toilet và nước "thơm".

Tuesday, December 28, 2021

ẨM THỰC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG UNG THƯ


 Trước đây mình có copy bài viết Vu Thi Hai Anh và bạn Trâm (thôi tui khỏi tag cụ nha) dịch về "Cách ăn uống khi làm hóa trị /xạ trị ung thư" nay HA dịch sách tiếp nên mình share cho mọi người cùng đọc nha. HA hiện đang giúp đỡ cho các em nhỏ bên bệnh viện ung bướu, và ròm cũng hay góp chút xíu tiền bạc chung với bạn ấy nên bài bạn ấy viết ròm tin tưởng lắm.


Bài nhe mọi người

++++

Chào cả nhà!

Vào đến bệnh viện mới thấy sức khoẻ là quan trọng nhất! Không có sức khoẻ mọi thứ đều vô nghĩa. Những ai đã có bệnh rồi thì hãy ráng chiến đấu với nó, những ai chưa thì ráng theo châm ngôn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. “Bệnh từ miệng” hay “chúng ta là những gì chúng ta ăn vào” (you are what you eat). Vậy thì ngay trong căn bếp của chúng ta cũng đã phần nào quyết định sức khoẻ của chúng ta rồi đó.

Mình có trong tay cuốn sách rất hay với tựa đề “ The Cancer - Fighting Kitchen” đại khái là “Ẩm thực trong cuộc chiến với ung thư”. Từ những gia vị, thực phẩm rất thông thường mà chúng ta chưa biết hết chúng lại có khả năng chống lại ung thư một cách tuyệt vời.

Mình sẽ dịch từ từ khi có thời gian để chia sẻ với mọi người cùng tham khảo. Cuộc chiến này không của riêng ai, của riêng gia đình nào hết mà của xã hội. Nếu bạn mất cảnh giác nó sẽ không chừa bạn, cho dù bạn giàu hay nghèo, là bác sĩ hay cả những vận động viên thể thao.

Mình không có chuyên môn về y khoa cũng như trình độ ngoại ngữ rất hạn chế, chỉ có lòng muốn chia sẻ là dồi dào 😜. Rất mong được các anh chị em bạn bè bổ xung, chỉnh sửa để hoàn thiện hơn.

Bài dịch theo thứ tự ABC tiếng Anh nên các loại thực phẩm đôi khi không liên quan đến nhau lắm 😄.

***
Công dụng các loại thực phẩm có khả năng chống lại ung thư (Phần 1)

1. Hạt hạnh nhân: có tính chất kháng viêm. Hạnh nhân là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, giúp ngăn ngừa ung thư ruột/ ung thư đại trực tràng. Hạt hạnh nhân nguyên vỏ có tác dụng chống oxy hoá cao gấp 2 lần hạt lột vỏ. Chúng còn có tác dụng tốt trong việc điều hoà đường huyết trong máu. Sử dụng hạt hạnh nhân trong khi điều trị hoá chất hoặc đang dùng thuốc có chứa steroid giúp tăng lượng đường trong máu. Hạt hạnh nhân chứa nhiều vitamin B, E và các chất béo tốt cho tim mạch và máu.

2. Hoa hồi: Kích thích tiêu hoá, có chứa chất kháng viêm, thành phần hoá học của hoa hồi có tính chất kiểm soát quá trình biểu hiện gen mã hoá của các yếu tố tiền viêm, (khi viêm không lành dễ chuyển sang viêm mạn tính, có nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa viêm mạn tính và nguy cơ ung thư cao). Hoa hồi có tác dụng tương tự như kích thích tố nữ, có khả năng làm tăng nội tiết tố sinh dục nữ. Loại nội tiết tố này đôi khi được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt nam.

3. Táo: có chứa chất kháng viêm. Khoa học đã chứng minh trái táo có chứa các chất ngăn ngừa các tế bào ung thư gan, ung thư vú và ung thư ruột. Châm ngôn phương tây có nói: mỗi ngày ăn 1 trái táo sẽ không bao giờ phải đi gặp bác sĩ.

4. Trái mơ: có tính chất kháng viêm. Sự mất nước trong quá trình điều trị hoá chất làm mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể, trái mơ chứa nhiều Kali sẽ giúp lấy lại sự cân bằng và điều hoà huyết áp. Trái mơ chứa nhiều chất sắt, giúp tăng sự vận chuyển oxy trong cơ thể, giúp cho huyết sắc tố và năng lượng ở mức tốt.

5. Măng tây: có chứa chất kháng viêm rất cao (viêm mạn tính có thể dẫn đến ung thư). Măng tây là loại thực phẩm bổ dưỡng và còn chứa nhiều vitamin A, là chất chống lại các ung thư da, ung thư vú, ung thư gan, ung thư ruột, ung thư tuyến tiền liệt. Chứa vitamin K chống lại ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Axit folic chống lại ung thư trực kết tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư vú. Axit folic rất tốt cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Ngoài ra măng tây còn tốt cho hệ tim mạch, đường ruột, hệ miễn dịch, hệ hô hấp, ngăn ngừa lão hoá, ngăn ngừa loãng xương, đẹp da…

6. Trái bơ: có chứa chất kháng viêm, oleic axit (axit béo lành tính) có khả năng chống lại các bệnh ung thư vú. Chất này còn có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Các thành phần hoá học và vitamin E trong trái bơ có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Một số thành phần khác của trái bơ giúp ngăn ngừa các tác nhân dẫn đến gây ung thư như khói thuốc lá, giúp các tế bào khoẻ mạnh hơn, chống lại sự ảnh hưởng của các tác nhân gây ung thư. Một vài nghiên cứu đã chứng minh trái bơ có công dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư vòm miệng và ung thư tuyến tiền liệt.

7. Chuối: chứa nhiều kali thay thế chất điện giải bị mất trong qua trình điều trị ung thư. Cùng với táo, chuối chứa nhiều chất pectin giúp làm giảm đau dạ dày, các thực phẩm giàu chất xơ này giúp thanh lọc hệ thống đường ruột, tăng cường chức năng của đường ruột và làm giảm nguy cơ ung thư ruột già.

8. Hạt đại mạch (barley): chứa chất kháng viêm. Ung thư vú và một số bệnh ung thư liên quan đến tuyến nội tiết có liên quan đến sự dư thừa nội tiết tố nữ (estrogen). Lignan là một loại phytoestrogen có nhiều trong hạt đại mạch làm giảm khả năng sinh sản estrogen trong cơ thể. Cùng với chuối, hạt đại mạch rất giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hoá, tăng cường chức năng hoạt động đường ruột, làm giảm nguy cơ gây ung thư ruột già.

9. Lá húng tây (basil): có chứa chất kháng viêm cao, kích thích tiêu hoá, chống vi trùng, kháng khuẩn, thành phần hoá học của lá húng tây có tính chất kiểm soát quá trình biểu hiện gen mã hoá của các yếu tố tiền viêm, (khi viêm không lành dễ chuyển sang viêm mạn tính, có nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa viêm mạn tính và nguy cơ ung thư cao). Xạ trị trong điều trị ung thư tiêu diệt các tế bào ác tính, đồng thời tiêu dịệt các tế bào lành tính khác. Các thành phần hoá học trong lá húng tây giúp bảo vệ các tế bào thông thường chống lại sự xâm hại của xạ trị. Tinh dầu chiết xuất từ lá húng tây có tác dụng kháng viêm rất cao, tương tự như măng tây. Nếu bệnh nhân điều trị ung thư bị mất vị giác hoặc bị đau miệng hay nhiệt miệng do tác dụng phụ của thuốc thì lá húng tây sẽ giúp lấy lại vị giác rất hiệu quả.

10. Lá nguyệt quế (bay leaf): có tác dụng rất lớn trong việc giảm các triệu chứng khó tiêu hay đầy hơi. Chúng làm giảm nhẹ, êm bụng hoặc các triệu chứng khó chịu khác thường gặp trong quá trình điều trị ung thư.

Nguồn tham khảo: The Cancer - Fighting Kitchen. By Rebecca Katz with Mat Edelson.

Link về bài ăn uống khi truyền hóa chất nha

https://suckhoelienrom.blogspot.com/2021/12/benh-nhan-ang-ieu-tri-ung-thu-nen-uong.html

Monday, December 27, 2021

BỆNH NHÂN ĐANG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ NÊN ĂN UỐNG GÌ TRONG THỜI GIAN TRUYỀN HÓA CHẤT




 Bài viết này ròm copy từ FB của em Vu Thi Hai Anh (có xin phép) bởi vì ròm thấy bệnh ung thư ngày càng phổ biến và càng có nhiều người mổ ung thư và sau đó xạ trị hay hóa trị. Trong thời gian làm hóa trị hay xạ trị chế độ chế độ ăn uống đúng và cách giữ gìn cơ thể trong thời gian truyền hóa chất rất quan trọng. Em Hải Anh cùng một nhóm bạn cùng nhau dịch các tài liệu, sưu tầm thông tin từ các nguồn tin cậy để chia sẻ với mọi người vì vậy ròm muốn thông tin đến với mọi người càng nhiều càng tốt để cùng nhau chiến đấu chống bệnh nghen. Em H. A hay giúp đỡ các em bên khoa Ung Bướu SG, còn ròm thì cũng hay giúp đỡ bệnh nhân ung bướu bên bệnh viện Anh này vì vậy hôm nay ròm gửi bài lên, hy vọng thêm thông tin cho các anh chị em có người nhà bệnh biết cách giữ gìn và ăn uống đúng cách nhé.


1) Cái quan trọng nhất trong thời gian hóa trị là bệnh nhân không được đụng các đồ dùng kim loại, phải đeo găng tay khi cầm, nắm các đồ vật kim loại chứ nếu không đeo găng đụng vào nó buốt người, có khi dẫn đến đau tim nhe. Quan trọng nữa là phải trùm kín khu vực cổ, mũi và miệng khi truyền thuốc, tránh lạnh và cũng ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

2) Tác dụng phụ rõ rệt nhất mà các bệnh nhân điều trị ung thư phải chịu đựng trong các đợt truyền hóa chất là mất vị giác, buồn nôn, nôn nhiều lần và đau miệng.

Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bệnh nhân nên ăn các thức ăn chứa ít chất béo, ăn các bữa ăn nhẹ, chia nhỏ bữa ăn ra làm nhiều lần, các thức ăn bao gồm cả ngũ cốc, bánh mỳ mềm, cháo bột yến mạch, bột kiều mạch, bột ngũ cốc, rau xanh lá thẫm, rau củ, các loại đậu và trái cây... 24 giờ sau khi truyền hóa chất vẫn nên tiếp tục dùng các thức ăn mềm, nấu lỏng như cháo, súp, các loại mỳ/ bún nấu nước..., bánh pudding hay bánh mỳ sandwich. Nên tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên giòn, chiên xào dùng nhiều dầu mỡ trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau khi truyền hóa chất. Tuy nhiên, nếu thực sự có 1 vài loại thực phẩm tuy không hẳn là tốt cho bệnh nhân nhưng họ thực sự muốn ăn thì cũng nên chiều theo ý vì điều quan trọng nhất lúc này là giữ cho người bệnh duy trì được khẩu vị và không bị sụt ký. Sau đó nên trở lại dùng các thức ăn được các bác sĩ khuyên dùng. Đừng quên uống thật nhiều nước trong và sau khi truyền hóa chất. Nên duy trì từ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.

Các bệnh nhân sẽ gặp phải vấn đề về đau miệng, khô miệng, mất vị giác, tanh miệng (cảm giác có mùi kim loại trong miệng)... gây cho bệnh nhân chán ăn, ăn không được. Tuy nhiên, phải xác định vấn đề duy trì nạp các dưỡng chất, đảm bảo không bị sụt ký, giữ được sức khỏe để vượt qua và hòan thành các phác đồ điều trị là điều quan trọng nhất. Các bác sĩ khuyên thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường, nên chia thành 6 bữa nhỏ hoặc dặm thêm các thức ăn nhẹ để duy trì được lượng calori cần thiết. Luôn ghi nhớ: giữ cho cơ thể đủ nước và khoáng chất trong suốt quá trình điều trị ung thư là điều vô cùng quan trọng. Luôn mang theo ly nước/bình nước bên mình mọi lúc, mọi nơi. Nếu bệnh nhân cảm thấy uống nước lọc/nước đun sôi để nguội lạt lẽo, có thể bỏ vào trong nước một vài lát chanh tươi, táo tươi, hoặc uống nước trái cây tươi các loại. Không nên uống các loại nước trái cây chế biến sẵn và uống các thức uống chứa cồn, cà phê, đường. Không nên uống các loại nước trái cây quá chua hoặc quá ngọt khi chỉ số tiểu cầu xuống thấp. Chăm sóc răng miệng thật kỹ. Chải răng sau các bữa ăn, trước và sau khi ngủ dậy buổi sáng bằng bàn chải mềm. Xúc miệng với nước muối lạt mỗi ngày ít nhất 4 lần (pha 0,5 lít nước đun sôi để nguội với 1 muỗng cà phê muối). Bằng cách này giúp giảm thiểu đau miệng, giảm bớt cảm giác chán ăn.

Triệu chứng đau miệng sẽ không kéo dài, chúng chỉ xảy ra trong khoảng vài ngày. Nên nhớ, các thức ăn chúng ta đưa vào cơ thể cũng chính là thuốc. Các bệnh nhân cố gắng vượt qua giai đoạn truyền hóa chất một cách ổn thỏa thì họ càng nhanh chóng lấy lại cảm giác bình thường. Bệnh nhân có thể tham khảo với bác sĩ một số loại nước xúc miệng phù hợp để có thể xúc trước các bữa ăn. Nên tránh các thức ăn gây kích thích hoặc làm tổn thương niêm mạc miệng như nước cam, chanh nguyên chất, sốt cà, sốt ớt, tương ớt, các loại snack quá giòn, các thức uống chứa cồn... hoặc các thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng gây tổn thương miệng nghiêm trọng. Các thức ăn khi dùng lý tưởng nhất tương đương nhiệt độ trong phòng (từ 20-24 độ C), hoặc hơi mát một chút. Hãy cắt nhỏ các thức ăn, nấu mềm hơn bình thường hoặc có thể dùng máy xay nhuyễn thành hỗn hợp lỏng để dễ nuốt. Có thể dùng ống hút đường kính lớn để hút thức ăn dễ dàng hơn.

3) Các thực phẩm khuyên dùng và nguyên tắc sử dụng, chế biến.
Một số loại thực phẩm được khuyên dùng trong quá trình điều trị hóa chất:


- Bệnh nhân cần bổ xung các thực phẩm giàu chất đạm để phục vụ quá trình phát triển và tái tạo tế bào: thịt gà (lấy phần ức gà để giảm bớt mỡ), cá, tôm, cua, trứng, sữa, phô mai và đậu các loại.


- Các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, vitamin C, khoáng chất như…: táo tây, trái đào, cam, chuối, cà chua, hạt barley, hạt couscous, khoai lang, khoai tây, măng tây, cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh/trắng, rau lá xanh thẫm và nấm tươi các loại.


- Khi chế biến có thể nêm thêm các loại gia vị như hành tỏi, gừng, các loại lá thơm, nước cốt chanh, chút ít sốt cà, sốt ớt,… để món ăn thêm phần hấp dẫn. Những loại gia vị này cũng giúp kích thích khẩu vị, giảm bớt cảm giác chán ăn.

Cách bảo quản, sử dụng, chế biến thực phẩm:


Bảo quản thực phẩm:
- Chỉ chọn những thực phẩm tươi mới.
- Khi đi siêu thị nên lựa các loại đồ dùng, đồ khô trước, sau đó đến rau củ và cuối cùng là thịt cá… Nếu siêu thị xa nhà nên có túi giữ lạnh và đá lạnh để đảm bảo thực phẩm luôn được tươi.
- Chế biến ngay khi mua về hoặc cất trong tủ lạnh.
- Trong tủ lạnh phải tách riêng thịt cá và gia cầm ra khỏi các loại rau quả tươi và các thực phẩm đã chế biến.
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Tối thiểu 60 độ C cho thực phẩm nóng và 4 độ C cho thực phẩm lạnh.


Chế biến thực phẩm:
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi nấu nướng. Dùng xà bông/ nước rửa tay, dùng nhiều nước, rửa ít nhất 20 giây.
- Rửa sạch và lau khô các bề mặt của dụng cụ chế biến thực phẩm.
- Dùng dao và thớt hợp vệ sinh để chế biến các loại thực phẩm khác nhau. Ví dụ dùng dao thớt riêng cho thịt sống/chín, rau củ, bánh.
- Không dùng muỗng nấu thức ăn để nêm nếm.


- Nguyên tắc quan trọng đối với bệnh nhân là: ĂN CHÍN, UỐNG SÔI. Các loại thịt luôn phải đảm bảo nấu chín kỹ. Nên ăn ngay sau khi chế biến, không ăn thức ăn đã nấu quá 2 tiếng nếu không bảo quản trong tủ lạnh. Không ăn các loại rau sống, xà lách, các loại trái cây nên ngâm rửa và gọt vỏ trước khi ăn. Loại bỏ các thực phẩm đã chế biến để trong tủ lạnh 72 tiếng (nên ghi lại thời gian thực phẩm được chế biến và bảo quản lạnh). Chia nhỏ phần ăn để bệnh nhân ăn được dễ dàng. Không dung lại thức ăn dư thừa của bệnh nhân. Hóa chất có thể lưu qua nước miếng của bệnh nhân trong thức ăn dư thừa.


Lời khuyên về ăn uống:
- Nên có dụng cụ ăn uống riêng cho bệnh nhân, trụng các dụng ăn uống của bệnh nhân trước khi ăn bằng nước sôi hoặc trong máy sấy chén.


- Có thể xúc miệng với một chút nước trà, nước ấm bỏ vài lát gừng, nước muối lạt hoặc nước có pha 1 chút baking soda trước khi ăn giúp sạch miệng, tăng khẩu vị, sẵn sàng cho bữa ăn.


- Dùng đồ uống trong các bữa ăn khi khô miệng.


- Nếu miệng kéo màng nhầy nên dùng các thức ăn lỏng, uống nhiều nước để giảm chất nhầy, không nên uống sữa, tránh sử dụng mật hoa, nước trái cây, súp đặc hoặc bánh mỳ. Chất nhầy đặc biệt thường gặp vào buổi sang, nên ăn bữa sang nhẹ, sau đó ăn dặm them để đảm bảo đủ nhuu cầu về calori.


- Nếu miệng bị khô, nên uống thêm nước, ăn kèm với các loại thực phẩm chứa nhiều sốt. Bánh quy nhúng với sữa. Không ăn các thức ăn quá nóng.


- Nếu miệng hoặc họng bị đau, sử dụng các thức ăn mềm và có vị nhẹ để giảm đau. Có thể sử dụng một chút kem, sữa chua hoặc chút nước đá nghiền, các thức uống mát để làm dịu cơn đau ở miệng và đồng thời giúp giải khát. Cắn/cắt thức ăn thành miếng nhỏ để dễ nhai, nuốt. Nấu thức ăn kỹ hơn hoặc xay nhuyễn. Tránh các loại thức ăn/uống quá nóng hoặc quá lạnh.


- Các nhu cầu calori thường cao hơn trong quá trình phẫu thuật ghép tạng. Phải bồi bổ cho bệnh nhân thường xuyên, kể cả khi chán ăn.


- Ăn nhiều bữa trong ngày, tăng cường bữa tráng miệng, luôn mang theo đồ uống.


- Đừng lo lắng nếu thực phẩm có vị lạ khi ăn. Vấn đề này sẽ qua sau 1 thời gian ngắn.


- Phối hợp những thực phẩm nhạt với đồ ăn có vị đậm.


Nguồn tham khảo:
- Eating Well Through Cancer, Holly Clegg & Gerald Miletello, M.D
- Tài liệu của Children Cancer Foundation

Cảm ơn em Hải Anh và bạn Nguyen Tram cùng các anh chị em khác đã dịch bài nhé ♥ ♥ ♥

CHỮA BỆNH ĐÁI DẦM BẰNG CÁCH UỐNG NHIỀU NƯỚC

   BÀI CŨ POST LẠI Chuyện khó tin nhưng có thật. Ròm có 2 đứa con và các bạn năn nỉ quá nên hôm nay ròm nói chuyện với con, con cho mẹ viết ...